Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

Các đại biểu tham dự trực tiếp Hội nghị Khoa học Trường ĐHKHTN năm 2021 tại điểm cầu chính.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo ĐHQGHN và các Ban chức năng, các Trung tâm trực thuộc; lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện các đơn vị đối tác, các trường đại học, viện nghiên cứu. Về phía Trường ĐHKHTN, có sự tham gia của Ban giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, các sinh viên, học viên quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN cho biết: Cách đây 65 năm, ngày 15/10/1956, Chính phủ đã ra quyết định thành lập 05 Trường Đại học, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐHKHTN đã chứng tỏ vai trò và vị thế là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản là xu thế của các trường đại học trên thế giới, bắt đầu từ vài chục năm trước ở các nước tiên tiến. Ở ĐHQGHN cũng như ở Trường ĐHKHTN, việc đổi mới sáng tạo cũng đã bắt đầu trong những năm gần đây. Chính khoa học cơ bản là điều kiện để thực hiện đổi mới, hướng tới triển khai ứng dụng các kết quả của nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học công nghệ.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh: “Trường ĐHKHTN là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước và cũng là trụ cột của ĐHQGHN về khoa học công nghệ với những đóng góp nổi bật về công bố khoa học quốc tế cũng như sở hữu trí tuệ. Ngày 02/11 vừa qua, tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds – Anh (QS AUR) đã công bố kết quả của Bảng xếp hạng đại học Châu Á. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 147, thuộc top 21,4% các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á. Trong các thành quả đạt được của ĐHQGHN, đặc biệt là xếp hạng đại học, có sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo Trường ĐHKHTN. Sự đóng góp này không chỉ ở số lượng công bố khoa học quốc tế, mà là số lượng và chỉ số trích dẫn, và đặc biệt là sự kết nối của các nhà khoa học Nhà trường với mạng lưới các nhà khoa học trên thế giới”.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

Một slide báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN.

Sau phần khai mạc ngắn gọn là phần báo cáo của các diễn giả. Có 04 tham luận được báo cáo tại Hội nghị. Đó là: Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN: thực trạng và định hướng phát triển đến năm 2025 (PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN), Những chính sách mới của Nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong trường đại học (GS.TS. Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo), Một số định hướng của Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên trong kết nối kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học với thị trường (PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐHKHTN), Kinh nghiệm phát triển sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực Môi trường (PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN).

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, nguyên Phó Hiệu trưởng, phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị thực sự gây hứng thú cho người tham gia bởi chủ đề đổi mới sáng tạo là vấn đề nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu đang trăn trở. Các câu hỏi và thảo luận từ đại biểu cũng như diễn giả xoay quanh vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, cán bộ viên chức có được làm chủ doanh nghiệp hay không, thành lập doanh nghiệp spin-off, huy động và sử dụng quỹ khoa học và công nghệ hiệu quả, cơ chế chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, và đặc biệt là những giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

TS. Nguyễn Quốc Hưng, Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường ĐHKHTN trao đổi tại Hội nghị. TS. Nguyễn Quốc Hưng vừa nghiên cứu thành công sơn bức xạ làm mát bề mặt ngoài trời. Sản phẩm được chọn giới thiệu trong Chương trình cố vấn từ xa và hỗ trợ thương mại hóa công nghệ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tổ chức dành cho Mạng lưới IP-HUB mà Đại học Quốc gia Hà Nội là thành viên.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp về hợp tác với trường đại học.

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, cựu sinh viên K26 khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chia sẻ: “Cách đây khoảng 35 năm, tôi ra trường, về Công ty Hóa chất Đức Giang. Qua thời gian, tôi mua lại Hóa chất Đức Giang, xây dựng Tập đoàn hóa chất Đức Giang trở thành Tập đoàn Hóa chất hàng đầu của Việt Nam với doanh số khoảng 10 ngàn tỷ”.

“Việc kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học đã và đang diễn ra trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không gắn với nhau thì sẽ không tạo ra sức mạnh cho từng doanh nghiệp, từng trường đại học và cả ở tầm quốc gia. Nói về khía cạnh doanh nghiệp và các nhà khoa học, chắc chắn chúng tôi phải kết hợp với Nhà trường, vì trường có sức mạnh nghiên cứu, có trung tâm và các trang thiết bị tốt, và đặc biệt là có người biết khai thác các trang thiết bị đó” - Ông Đào Hữu Huyền nói.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, trình bày báo cáo tham luận

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN nêu rõ quan điểm đổi mới sáng tạo của Trường ĐHKHTN trong bài trình bày của mình: Đổi mới - sáng tạo là việc tạo ra và chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như công nghệ, sản phẩm, dịch vụ,... mang lại lợi ích gia tăng cho Nhà trường và xã hội. Đổi mới sáng tạo xuất phát từ nguồn ý tưởng, tri thức, là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Vì vậy, có thể nói trường đại học là khởi nguồn của đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo không chỉ cần có tính mới mà còn cần cả tính được thực hiện.

Phát biểu tổng kết hội nghị, PGS.TS. Trần Quốc Bình nói: “Đổi mới sáng tạo là quá trình diễn ra lâu dài, chúng ta không thể kỳ vọng chỉ trong một vài năm mà hoạt động đổi mới sáng tạo có thể bứt phá được ngay. Tuy nhiên, Lãnh đạo Trường ĐHKHTN mong đợi sau Hội nghị khoa học này, văn hóa, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ lan tỏa trong đội ngũ cán bộ của Nhà trường. Điều này sẽ tạo nên sức mạnh, thúc đẩy hành động, để các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp có nhiều đóng góp hơn nữa cho Nhà trường và xã hội.

Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
 
Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường ĐHKHTN
Nhãn

Kết quả hoạt động Khoa học & Công nghệ của Trường ĐHKHTN trong những năm gần đây.

 

 

 

 

 

Nguồn: http://hus.vnu.edu.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-khoa-hoc/doi-moi-sang-tao-gan-voi-nghien-cuu-co-ban-79283.html